Khi quá chán tiếng Nhật, tôi làm gì?

Khi quá chán tiếng Nhật, tôi làm gì?

Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện của tôi – câu chuyện tuổi trẻ và tiếng Nhật.

Tôi năm nay ngoài hai mươi, cái tuổi chớm nở của những đam mê, khát vọng, tuổi của sự dấn thân và trải nghiệm. Năm tôi mười tám, tôi cũng dấn thân vào một thứ mà có lẽ nó đã, đang và sẽ gắn bó với cả những năm tháng thanh xuân của tôi, đó là tiếng Nhật. Những năm tháng còn là cô học trò cấp ba, tôi chẳng nghĩ mình sẽ đi theo con đường này, ước mơ ngày đó sao vẫn còn mơ hồ, rời rạc, chưa rõ ràng. Ấy vậy mà giờ đây, tiếng Nhật lại là người bạn gắn bó với tôi mấy năm trời rồi, âu cũng là cái duyên.

Ngày tôi biết kết quả thi Đại học, tôi đỗ hai trường. Thời gian đầu, tôi học chuyên ngành tiếng Anh ở một trường Đại học khác, nhưng cơ duyên lại kéo tôi lại với Khoa tiếng Nhật của trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN. Tôi nhập học sau các bạn cùng khoá bốn, năm tuần và lẽ dĩ nhiên tôi phải học đuổi.

Những kiến thức mà các bạn được thong thả học trong ngần ấy thời gian kia thì tôi phải nhồi nhét trong vòng 5 ngày. Đối với một đứa chưa từng tiếp xúc với tiếng Nhật thì đó quả là một thử thách không dễ dàng. Và rồi ngày qua ngày, hết năm thứ hai, tôi vẫn luôn là đứa học đuổi. Chương trình học ở trường đối với tôi quá áp lực, đã từng có lúc mở mắt ra là thấy bầu trời tối sầm lại, mọi thứ như đang dập tắt chỉ vì tôi trót ngủ quên mà chưa kịp làm bài tập trên lớp hay chưa kịp ôn tập cho bài kiểm tra. Cũng đã có những lúc tôi nghĩ hay là mình nhảy xuống từ tầng 5 ký túc xá giống như cách người Nhật vẫn thường lao vào đầu tàu điện để trốn tránh áp lực công việc. Nhưng dĩ nhiên là tôi không dám. Chẳng hiểu sao khoảng thời gian hai năm trời lại không đủ để tôi vươn lên ngang bằng với chúng bạn? Chẳng lẽ ngay từ đầu tôi đã là người theo sau nên trong suy nghĩ luôn mặc cảm với bản thân và thấy mọi thứ quá khó khăn? Hay tại vì tôi mải mê với cơm áo gạo tiền trong cuộc sống mưu sinh của bản thân quá? Quá nhiều nguyên nhân, quá nhiều lý do, nhưng có lẽ tất cả chỉ là để nguỵ biện cho cái sự chưa cố gắng hết sức của bản thân tôi, tôi luôn đặt mình theo một vài lối mòn nào đó. Tôi cần thay đổi, thực sự là vậy!

Hết năm hai, tôi quyết định rẽ sang một hướng đi khác. Tôi không an phận là một cô sinh viên tối ngày đi học...

Hết năm hai, tôi quyết định rẽ sang một hướng đi khác. Tôi không an phận là một cô sinh viên tối ngày đi học rồi lại quay vòng với guồng quay của những công việc làm thêm nữa. Tôi muốn sang Nhật, tôi phải sang Nhật dù bằng cách nào đi chăng nữa. Trùng hợp thay, thời gian đó chúng tôi nhận được mail thông báo từ Khoa có chương trình thực tập một năm tại Nhật Bản. Trình độ tương đương N3 là đã có thể ứng tuyển để tham gia phỏng vấn. Thực lòng chẳng hiểu kiếp trước liệu tôi có nợ nần gì với tiếng Nhật, với Nhật Bản hay không mà ở thời điểm này mọi thứ đều rơi vào tình trạng khốn đốn. Phỏng vấn 4 nơi, đỗ 3 nhưng mãi nửa năm sau tôi mới có thông báo bay chính thức. Vậy là bảo lưu lại mọi thứ ở Việt Nam, mặc cho các bạn cùng khoá vẫn mải miết với giảng đường, tôi kéo vali sang Nhật với hi vọng thay đổi được phần nào thực tại và có hành trang tốt hơn để khi trở về có thể cải thiện được những thứ mà tôi chưa thể làm tròn hồi năm nhất, năm hai.

Phiêu tại Nhật Bản...
Phiêu tại Nhật Bản…

Những ngày đầu đến Nhật, mọi thứ thật lạ lẫm, không quen ai. Thời gian đó tôi bị sốc ngôn ngữ vì quanh tai lúc nào cũng là tiếng Nhật. Ấy vậy mà tôi hoà nhập cũng nhanh, tầm gần một tháng sau đó là có thể sinh hoạt bình thường như người Nhật rồi, mọi thứ cũng dần trở nên quen thuộc. Dù bận rộn với công việc nhưng guồng quay của sự hối hả ấy không làm tôi mất đi cơ hội được khám phá những nét đẹp nơi đây. Một năm – bốn mùa ở Nhật, mỗi mùa tôi đều được trải nghiệm những nét văn hoá đặc trưng của đất nước “Mặt trời mọc”. Mùa xuân với những lễ hội truyền thống, kèn trống náo nhiệt ngoài đường. Mùa hè với những lễ hội pháo hoa cùng những bộ Yukata rực rỡ sắc màu. Mùa thu với lá đỏ. Và mùa đông với những trận tuyết phủ trắng cả một vùng. Đối với tôi, điều không thể quên ở vùng đất này là nét văn minh, tiên tiến, cũng là tình cảm mà những người chân chất, thật lòng mà tôi may mắn được gặp ở đây. Để nói về những gì tôi đã trải qua ở Nhật Bản trong suốt một năm đó có lẽ một, hai trang giấy không thể nào mà bộc bạch hết được bởi 365 ngày trôi qua là 365 câu chuyện. Nếu có dịp, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một vài bài viết khác.

Các bạn thấy tôi trong lễ hội của Nhật chứ ^^
Các bạn thấy tôi trong lễ hội của Nhật chứ ^^

Những gì mà Nhật Bản mang lại cho tôi trong một năm đó thực sự là rất đáng trân quý và không thể nào phai mờ được trong tâm trí tôi. Đến Nhật, tôi không chỉ học được tiếng Nhật, văn hoá Nhật, không chỉ có cơ hội trực tiếp trải nghiệm những nét văn hoá đặc trưng đó, tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp mà trước đây tôi chỉ được thấy qua màn ảnh. Mà hơn cả là lối sống, cách ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong công việc, là tình người, cách con người sống với nhau qua những ngày giông bão, khó khăn chứ không phải bạn đến với tôi lúc ấm no, đủ đầy, khi thiếu thốn bạn rời xa.

Trở về nước, tôi tự tin mang cho mình những kinh nghiệm mà mình đã học được trong suốt những tháng ngày sinh sống tại Nhật. Nó không phải quá nhiều, nhưng phần nào đó cũng là hành trang giúp cho tôi bắt nhịp được với cuộc sống hiện tại. Tôi quay lại trường học, bắt đầu những dự định mà tôi đã lên kế hoạch khi còn ở Nhật. Một ngày đẹp trời tháng tám, tôi nộp CV ứng tuyển vị trí giáo viên tiếng Nhật tại Jellyfish Education Vietnam. Đây có lẽ là nơi đầu tiên mà tôi thấy thoải mái và vui vẻ khi làm việc. Ở đây có các anh chị đồng nghiệp rất vui tính, giúp đỡ tận tình những ngày mà tôi mới chập chững vào Trung tâm. Hơn nữa, tôi còn có cả một đội ngũ học trò vui nhộn, hài hước và dạt dào tình cảm.

Đây là những anh chị học trò “ruột” của tôi, những người vừa tận tâm với công việc, vừa hết mình học tập hoàn thành khoá học xuất sắc. Họ luôn khiến tôi vui vẻ mỗi khi đến lớp, quên đi áp lực của công việc.
Đây là những anh chị học trò “ruột” của tôi, những người vừa tận tâm với công việc, vừa hết mình học tập hoàn thành khoá học xuất sắc. Họ luôn khiến tôi vui vẻ mỗi khi đến lớp, quên đi áp lực của công việc.

Một vài ngày gần đây, tình cờ tôi biết ngay chính tại nơi tôi đang làm việc – Jellyfish Education Vietnam cũng có chương trình dành cho thực tập sinh giống như ngày trước tôi tham gia vậy. Đối với những người có một sự khởi đầu không mấy suôn sẻ và muốn tìm cho mình một hướng đi khác để cải thiện như tôi thì có lẽ đây là một chương trình khá tốt. Có cơ hội sang Nhật, các bạn sẽ có cơ hội cọ xát tiếng Nhật, văn hoá giao tiếp, ứng xử, phong cách làm việc chỉnh chu, quy củ và một mức thu nhập hấp dẫn hơn. Thông tin về chương trình này, các bạn có thể tham khảo link đính kèm dưới đây:

THÔNG TIN TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN NGÀNH KHÁCH SẠN LÀM VIỆC TẠI NHẬT

Việc đến Nhật một năm giống như một chiếc phao cứu sinh giúp tôi thoát ra khỏi cái áp lực với việc học tiếng Nhật của mình. Nếu ở thời điểm đó, tôi cứ đứng lì một chỗ không đột phá, cứ để mặc nỗi chán học dai dẳng hàng ngày thì có lẽ ngày nối ngày tôi càng bế tắc mà thôi. Kiến thức tôi học được khi ở Nhật cần nhưng chưa đủ, giờ đây mỗi ngày tôi đều thúc ép mình phải cố gắng hơn nữa, mình vẫn chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mênh mông mà thôi.

Những khoảng khắc đẹp

Dẫu biết không phải cứ chán học tiếng Nhật, muốn sang là có thể bay vèo qua Nhật được ngay như tôi nhưng nếu bạn không may mắn có cơ hội được đặt chân đến xứ sở ấy, thì ít nhất trong suy nghĩ cũng không được phép buông xuôi, phó mặc. Giống như những ngày mà tôi chưa thể bay, nhìn lên các toà nhà chọc trời, nghĩ về một tương lai tốt hơn để lấy động lực tiếp tục chinh phục thứ ngôn ngữ này.


Bản quyền thuộc về Jellyfish Education Vietnam